Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Đặc sản Nai nướng Lâm Đồng

Món nai nướng, Nai nướn ở Lâm Đồng là một món vô cùng độc đáo và đặc sắc. Nếu có dịp du lịch đến thác Prenn thì quý anh chị đừng quên thưởng thức món Nai nướng chính hiệu tại nơi đây nhé.
Đặc sản Nai nướng lâm đồng
Đặc sản Nai nướng lâm đồng
Có một quán nai nướng giấu mình trong rừng thông Đà Lạt từ nhiều năm nay ở nơi đầu dốc dẫn xuống thác Prenn. Chủ quán là người đàn ông gốc Tây Nguyên không ai biết ở Kon Tum hay ĐăkLăk nhưng đã từng một thời ta| phong sương cùng cỏ cây muông thú rừng già thêm tài chế biến các món đặc sản rừng thơm ngon chưa có nơi nào địch nổi. Chủ quán tên gì nói ra chắc khó nhớ và cũng khó gọi vì âm điệu ngôn ngữ như kiểu tên Tây không như anh hùng Núp dễ gọi.
Quán hàng dựng ngay ngoài trời giũa thiên nhiên lồng lộng. Bàn ăn là những tấm gỗ nhẵn bóng ngấm mỡ mà chân bàn thì là những gốc cây cưa cụt, xung quanh chỗ ngồi là những cành mai tứ quí và các chậu phong lan hoa màu đủ loại rực rỡ gợi con người nghĩ tới chốn Đào Nguyên để lầm tưởng mình là Lưu Nguyễn lạc động Thiên Thai thuở trước.

Khách lạ hay quen vừa kịp ngồi vào bàn đã được đon đả chào mời và chỉ cần giơ mấy ngón tay ra hiệu là chủ quán đã hiểu cần gọi mấy xuất, rồi lập tức đặt luôn chai rượu đế sủi tăm với mấy chiếc ly sành da lươn mộc mạc lên bàn kèm theo đĩa muối tiêu, ớt tươi thái lát, lá sả là những đồ gia vị không thể thiếu để ăn với thịt nai. Chỉ một loáng sau những đĩa nai sống đỏ tươi mềm mại như thịt bê non thái mỏng tang với đĩa lá lốt xanh rờn cùng mấy chiếc hoả lò đỏ rực than tàu đã được đưa ra mỗi người một chiếc.

Và thế là cuộc ăn bắt đầu không có người phục vụ nữa. Khách tự trải thịt nai lên lá lốt rồi tự gói lại to nhỏ tùy ý sau lấy đũa gắp đặt lên mặt than hồng đợi cho màu lá táp vàng thì lật mặt sau nướng tiếp đợi chín. Bất ngờ hương vị nai nướng quyện vào mùi lá lốt chín sục thơm lúc nào không biết. Người ăn bỗng thấy thèm thuồng, rót vội một ly rượu đầu tiên nhấp một hớp nhỏ khai vị và không tìm được đũa ăn vội miếng nai thơm nóng bỏng rồi ngồi thừ ra ngây ngất để lặp lại quy trình nướng miếng nai khác.
Cứ thế khách bỏ vào miệng tùng miếng tái ngọt ngào, nhai nhỏ nhẻ rồi hớp một hớp rượu thơm ngồi ngẫm nghĩ suy tư cùng người bạn cố tri về điều cộng hưởng đậm ngọt của vị nai, vị dịu cay của ớt chín, vị mặn thơm của muối tiêu, vị hăng hăng của lá lốt, lá sả... tất cả gộp lại tổng hoà hương ngàn gió núi lẫn vào miếng ngon thuở nguyên sơ, thiết tưởng chỉ có được trong rừng thông Đà Lạt.

Bạn mới lên Đà Lạt lần đầu lại cũng mới một lần thưởng thức nai nướng trong quán bên đường giũa một buổi chiều se lạnh, một bên là lò than hồng ấm áp, một bên là người bạn đồng hành thân thiết với chai rượu đế “mắt mèo" rót ra bật diêm châm vào ly, lửa xanh bốc lên phần phật hỏi còn kỷ niệm nào đắt giá hơn, thú vui nào vui hơn?

Cái khẩu vị kiêu kỳ của người sành nó là như vậy. Nó âm u, tĩnh mịch, xa xôi, nó trầm lắng, hoang vu, siêu thoát như người Hà Nội ăn chả cá thích chọn một phòng chật hẹp, khét mùi mở rán, ngồi bên một chiếc bàn cũ kỹ không cần trải khăn, nhấm nháp giữa ngày đông tháng giá mới cảm thấy thực sự biết ăn ngon.

Thế mới hiểu “rượu ngon không có bạn hiền không ngon”, miếng ngon thiếu cảnh "thần tiên" cũng chẳng lấy gì làm thú vị. Câu thơ của người xưa thâm thúy thật nhưng hình như còn thiếu cái vế sau bởi người và cảnh tuy hai mà là một và một cũng là hai. Người ta khâm phục mến mộ người sành là kẻ biết ăn chơi nhưng người ta cũng rất ngại người sành thực là khó tính, biết chiều sao đây?

About

Tags