Vải Thiều, Đặc sản được biết đến nhiều nhất ở Hải Dương
Mùa hè đỏ lửa cũng là lúc vườn vải nhuộm một màu đỏ sậm. Từ trên cao nhìn xuống màu xanh của lá cây đã bị màu đỏ của trái vải lấn át, trông giống như những đĩa xôi được nhuộm màu rất khéo.
Khu vườn rộn rã tiếng chim, tiếng cười của các cô thôn nữ xinh đẹp, sực nức mùi hương vải thơm nồng. Trái vải kết thành chùm ở đầu cành, nặng trĩu, nhiều khi không chịu nổi sức nặng của trái, gió mạnh một chút là cành nhỏ tự gãy. Một cành vải bằng cổ tay người lớn cũng được khoảng 100 kg trái chín.
Nếu tháng 5 bạn có mặt ở Thanh Hà, huyện Nam Thanh, Hải Dương bạn sẽ thấy làng quê như có hội, hội vải. Du khách về quê vải vừa tham quan vừa thưởng thức vải tại chỗ. Xe tải thì chở vải đi nơi khác bán.
Trái vải thiều lớn cỡ ngón chân cái, tạo thành chùm, vỏ màu đỏ sậm hơi sần sùi. Bóc vỏ ra, bên trong là một lớp cùi trắng nõn, mọng nước, vị ngọt dịu mát, thơm của nước vải ngấm tận chân răng. Đặc biệt, mùi thơm của vải khi ăn xong vẫn còn vương vấn mãi. Vải thiều Thanh Hà hột nhỏ, màu nâu đen, cây vải tuổi càng cao thì hạt càng nhỏ, có nhiều trái gần như không có hạt và lớp cùi dày ngọt lịm, đầy nước.
Trái vải dễ tiêu hóa, an thần. Dùng vải tươi hay khô đều tốt cả. Vải sấy khô cùi đen lại, dẻo quánh, ngọt vô cùng. Khi ăn, ta có cảm giác như ăn một quả táo Tàu thường có vị thuốc Bắc. Được ăn trái vải sấy khô và uống một ly trà nóng ấm thì thật không còn gì thú hơn. Ở Thanh Hà, nhà nào cũng có bình rượu ngâm vải sấy khô.
Cây vải tổ của vải Thiều được trồng tại thôn Thuý Lâm xã Thanh Sơn do cụ Hoàng Văn Cơm mang về. Người ta kể rằng Cụ Cơm nguyên là một người phục vụ tại một cửa hàng ăn ở tỉnh Quảng Ninh. Một hôm, có một du khách người Trung Quốc sau khi ăn cơm xong đã dùng tráng miệng bằng một loại quả (?) và khi rời khỏi quán ăn ông ta có để lại một vài quả. Cụ Cơm ăn thử thấy ngon quá, liền mang hạt về gieo ở vườn nhà và mọc lên được 3 cây. Trong 3 cây đó chỉ sống được 1 cây và cây đó vẫn tồn đến ngày nay (khoảng 150 tuổi). Vì vậy, xã Thanh Sơn được coi làn xã hạt nhân của vùng sản xuất vải Thiều. Do chất lượng quả vải đươc nhiều người ưa chuộng nên dần dần được nhân rộng ra các xã lân cận như xã Thanh Xá, xã Thanh khê. Trong giai đoạn HTX từ năm 1960-1970, hình thành các vườn cây đặc sản và sản xuất theo kế hoạch của nhà nước, cây vải Thiêù được trồng trong vườn nhà của các xã Thanh sơn, Thanh Thuỷ, Thanh Xá, Thanh Khê, Thanh Xuân, Hợp Đức, Thanh Cường, Thanh Hồng, Thanh Bính, Trường Thành. Từ năm 1993, có chính sách địa phương chuyển đổi đất lúa sang trồng vải cây vải thiều được trồng và phát triển trên khắp các xã trong huyện. Căn cứ vào nguồn gốc lịch sử cây vải là những đặc tính đặc biệt của vải thiều Thanh hà, năm 1992 Trung ương hội làm vườn Việt Nam đã công nhận cây vải do ông Hoàng Văn Cơm thôn Thuý Lâm- xã Thanh Sơn- huyện Thanh Hà – tỉnh Hải Dương trồng là cây vải tổ của Việt Nam.